Mức độ nguy hiểm của 4 loại biến chủng SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở Việt Nam
Xuất phát từ chủng gốc tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc có tên SARS-CoV-2, đến nay Việt Nam ghi nhận bốn biến chủng mới của virus này gồm loại từ Anh, Nam Phi, Rwanda châu Phi và biến thể G.
>>Cập nhật tin tức dịch COVID-19 mới nhất mỗi ngày tại đây: https://vietnambiz.vn/chu-de/dich-covid-19-270.htm
Biến thể từ Anh
Sáng 2/1, Bộ Y tế công bố trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Anh tại Việt Nam là BN1435. Bệnh nhân là nữ, sinh năm 1976, quê Trà Vinh, từ Anh về Việt Nam ngày 22/12/2020 và được cách ly tập trung ngay tại Trà Vinh vì vậy không có khả năng lây lan trong cộng đồng.
Ca bệnh này cùng lúc nhiễm chủng nCoV biến thể Anh có tên VOC 202012/01 và đột biến D614G, vốn là chủng được cho là làm lây lan nhanh cách đây 4 - 5 tháng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể VOC 202012/01, 20I/501Y.V1 hoặc B.1.1.7, có khả năng lây lan nhanh hơn 70% so với bản gốc, và hiện chưa nhận thấy nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong của biến chủng mới từ Anh. Tuy nhiên, mới đây Reuters đã dẫn kết quả nghiên cứu của Nhóm tư vấn về các mối đe dọa virus hô hấp của chính phủ Anh (NERVTAG) cho thấy biến thể này gây tử vong cao hơn 30%.
"Đợt dịch COVID-19 hiện nay tại Hải Dương và Quảng Ninh, chưa rõ nguồn lây nhưng đều do biến chủng của Anh. Đây là chủng có khả năng lây nhiễm rất cao, tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với trước đây. Thời gian đào thải mầm bệnh ra ngoài cũng rất cao và rất ngắn. Tỷ lệ lây nhiễm tăng 70% so với trước nên trong thời gian ngắn đã lan rất nhanh.", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/2.
Ngoài ra, tại TP HCM, BN 1660, 28 tuổi, đến từ Hải Dương sau khi được giải trình tự gene ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng cho kết quả nhiễm biến chủng Anh. Bệnh nhân này có tiếp xúc với BN 1612, là trường hợp mắc bệnh tại ổ dịch của thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Biến thể từ Nam Phi
Sáng 31/1, qua giải trình tự gene, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới từ Nam Phi tại nước ta là BN 1442, 25 tuổi, quốc tịch Nam Phi. Bệnh nhân này được cách ly ngay khi nhập cảnh.
Biến thể từ Nam Phi có tên 20H/501Y.V2 hay B.1.351 mà giới khoa học nước này cho biết có "nguy cơ gây tái nhiễm rõ rệt", đã xuất hiện ở hơn 30 nước.
Giới khoa học thế giới đánh giá biến thể xuất hiện tại Nam Phi dường như có khả năng lây lan mạnh hơn, và làm giảm khả năng bảo vệ của hai loại vắc xin Moderna và Pfizer/BioNTech do biến chủng này có thể lẩn tránh kháng thể trong máu.
Biến chủng Rwanda, châu Phi
Ngày 12/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) công bố kết quả giải trình tự gene mẫu dịch mũi họng BN 1979 và hai bệnh nhân thuộc tổ bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy thuộc chủng A.23.1 ở Rwanda, châu Phi.
Ba bộ gene thu nhận được từ các bệnh nhân trên có sự tương đồng về gene là trên 99,95%. Như vậy chùm ca bệnh gồm BN 1979 và các bệnh nhân của tổ bốc xếp của công ty VIAGS ở sân bay Tân Sơn Nhất nhiều khả năng là xuất phát từ một nguồn lây.
Biến chủng này lần đầu tiên xuất hiện Việt Nam và Đông Nam Á. HCDC khẳng định chủng này không phải biến chủng Anh đang gây dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh; cũng không phải chủng Nam Phi.
A.23.1 được phát hiện lần đầu tiên ở Rwanda, châu Phi vào khoảng cuối tuần thứ ba của tháng 10/2020. Ngoài Rwanda, biến chủng này chỉ mới được phát hiện ở một số ít nước khác trên thế giới bao gồm Mỹ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Australia cũng như một số nước khác ở châu Âu, trong đó có Anh và Đan Mạch. Tuy nhiên, chưa cho thấy những dấu hiệu diễn biến bất thường ở các quốc gia này.
Biến thể D614G (chủng G)
Ngoài ra, đợt dịch ở Đà Nẵng, khởi phát hồi cuối tháng 7/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thời điểm đó cho biết, biến chủng nCoV phát hiện ở Đà Nẵng tương tự với các chủng đang lưu hành ở nhiều quốc gia.
Trước ngày 1/3/2020, hơn 90% mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 trên khắp thế giới đều là chủng gốc. Nhưng từ đó về sau, chủng G bắt đầu nổi lên, chiếm đến 67% trong tháng 3/2020, rồi tăng lên 78% từ ngày 1/4 - 18/5/2020. Đây là giai đoạn tâm dịch COVID-19 chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ.
GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam hồi tháng 8/2020 cho biết, biến thể D614G (chủng G) có khả năng cảm nhiễm cao, dẫn tới hệ số lây nhiễm tại Đà Nẵng cao, ở mức 5 - 6 (một người mắc có thể lây cho 5 - 6 người), trong khi giai đoạn trước, hệ số này chỉ là 1,8 - 2,2.
Tuy nhiên, dù biến thể virus D614G lây lan nhanh nhưng độc lực không thay đổi, theo Vietnamnet.
Nhận xét
Đăng nhận xét